Nguyên liệu và cách làm mứt me Phan Thiết:
- Me được chọn làm mứt là loại me ván già nhưng còn xanh (chưa chín), trái to ngang, hoặc me đũa, trái dài, mắt thẳng, cơm dày. Loại me ươn, me mật không làm được vì mứt nhão, thâm đen, ít ngon.
- Làm mứt me thật công phu. Quả hái trên cây xuống hay mua về cắt bớt cuống, chỉ chừa lại cỡ đốt tay. Đem ngâm nước muối (pha 2 thìa trong 3 lít nước) để dễ dàng bóc vỏ. Dùng mũi dao nhọn xé một đường dọc sống lưng me, tách từng lớp vỏ theo đường trôn ốc. Me sạch vỏ, ngâm nước muối độ 2 ngày, xả bớt chất chua. Nhẹ nhàng bổ dọc bụng sao cho khi lấy hạt không làm trái me gãy đoạn. Ngâm nước muối lần nữa để trắng đều. Xăm từ trên xuống khắp hai mặt, lần lượt hết phần me đã chọn. Đun nước nóng, xả 4-5 lượt. Khi nào nếm bớt chua, vớt me vảy ráo nước, tiến hành rim.
- Thông thường, cứ 3 kg me tươi bóc vỏ phải dùng đến 1,5 kg đường cát. Đường càng trắng, me rim càng đẹp, càng ngon. Me được xếp thành từng lớp vào thau, rải đường lên. Ướp như vậy vài ba tiếng đồng hồ. Khi thấy ra nước đường, múc vào một thau khác, đem thắng cho sên. Rồi đổ vào thau me, bắc lên bếp rim với lửa nhỏ. Công đoạn này đòi hỏi phải khéo tay và tính kiên nhẫn, nếu nóng ruột là hỏng ngay. Rim như vậy đến khi đường đã sên chặt, mới trải me hong gió cho ráo. Thắng nước đường thật keo, nhúng trái me rim vào. Mứt me đạt yêu cầu phải có màu vàng trong, bóng mướt, bọc giấy kính trông rất tươi mắt. Như vậy, thời gian tính từ khi làm đến khi có mứt ăn mất cả tuần.
- Nghề làm mứt me ở Bình Thuận không biết có tự bao giờ, có lẽ rất lâu đời. Năm nào cũng vậy, những ngày giáp Tết, mứt me được sản xuất hàng loạt, đáp ứng nhu cầu đón Tết cổ truyền của nhân dân.
- Mứt me cũng được người sành điệu xếp vào hàng của quý. Ngày Tết, có món mứt me bày ra thết đãi bà con, bạn bè, hấp dẫn vô cùng.