- 1/2 chén mắm cá lóc (1 miếng khoảng 100gr) vuốt sạch thính, đường hoặc tùy ý rửa lại với nước nóng rồi để ráo, lạng da, dùng một cái nỉa xẻ nhỏ cá ra để lấy xương nếu có rồi băm thật nhuyễn.
- Trộn đều mắm băm nhuyễn với:
- 1 chén thịt nạc heo băm nhuyễn (khoảng 200gr, tùy ý dùng loại thịt nạc dăm để có thêm chút mỡ)
- 1/2 muỗng súp hành tím băm nhuyễn
- 1 muỗng cà phê gừng băm nhuyễn
- 1/2 muỗng cà phê tiêu + 2 muỗng cà phê đường (*)
- 1 trứng gà hoặc trứng vịt đánh tan
- 1 muỗng súp dầu ăn.
- Trộn đều tất cả, cho vào một cái tô nhỏ, ém cho bằng mặt rồi hấp cách thủy khoảng 30 phút sau khi nước sôi. Tùy thích ăn kèm dưa leo cắt mỏng, cà chua sống, rau thơm, rau xà lách.
Lưu ý: Việc nêm đường vào món mắm chưng rất hạn chế khi hàm thụ vì khó xác định đúng độ mặn của con mắm. Chỉ có thể nêm theo khẩu vị riêng bằng cách sau khi băm nhuyễn 100gr mắm, rắc trộn đều vào 2 muỗng cà phê đường, nếm thử đã vừa ý chưa rồi hãy trộn thêm đường sau đó mới cho vào hỗn hợp thịt trứng.
- Hướng dẫn đã cho là một phần mắm + 2 phần thịt nhưng nếu bạn thích vị mắm nhiều hơn thì cứ dùng ngược lại hai phần mắm + một phần thịt cũng được hay cả hai thứ bằng nhau.
Cách 1:
- Sau khi hấp chín mắm, vẫn để nguyên mắm chưng trong tô, đánh tan 1 lòng đỏ trứng vịt, tưới đều lên mặt tô mắm, để tô mắm trong xửng vài phút cho trứng chín, không đậy nắp xửng nếu không màu trứng sẽ không đẹp.
Cách 2:
- Nếu muốn làm món chiêu đãi, sau khi hấp chín mắm, lóc ra khỏi chén, úp khối mắm trên một cái dĩa rồi mới tráng lòng đỏ trứng vịt hay trứng gà đánh tan lên, cho lại vào xửng hấp lại cho trứng chín. Lấy dĩa mắm ra trang trí với dưa leo tỉa hoa hoặc lóc ra khỏi chén, cắt thành miếng hình tam giác khối cho đẹp mắt.
- Mắm chưng sau khi làm xong, gói đậy kín, có thể bảo quản trong tủ lạnh lâu.
- Khi tráng lòng đỏ hột vịt hay hột gà, đừng nên đậy nấp nồi hấp lại, lòng đỏ sẽ mất đi màu đỏ của trứng vịt hay trứng gà