logo di cho nhanh

Ba khía trộn chua ngọt

-  Mỗi năm ba khía chỉ hội một lần vào 3-4 đêm của tháng 10. Ba khía bắt về rửa sạch bùn đất, thả từng "trự" vào nồi, lu có chứa sẵn nước muối. Độ mặn của nước muối quyết định chất lượng của ba khía sau này, nhạt quá sẽ hư, mặn quá ba khía sẽ rụng càng, đen da, chát thịt, để nước mưa vào sẽ có mùi.

-  Ba khía làm "tới" để cả năm không hư, ăn vẫn ngon. Ăn ba khía phải đúng "bài bản" mới "thấm thía" hết hương vị đặc biệt của nó. Rửa sạch bằng nước sôi, tách mai ra, đập dập sơ hai càng. Tỏi, ớt, chanh, đường cát trắng thêm vào. Dứa bằm nhỏ, xoài xắt sợi, khế vừa chín tới xắt nhỏ, trái cóc đập dập, trộn đều với ba khía. Xong, để cho thấm qua ngày sau hãy ăn.

-  Khi mua ba khía nên "tuyển" con nhỏ, gạch nhiều (gạch son màu đỏ, gạch bùn màu xám), thịt chắc, mút thử thịt không dính lại ngoe, càng. Ngon nhất là loại đang ôm trứng. Đừng ham chọn con to xác vì ốp xộp. Mùa nước nổi, nhất là tháng trời lạnh, gió bấc đập phành phạch ngoài vách, có tô ba khía trộn ăn với cơm nóng thì thật là tuyệt.

-  Dân làm củi miệt U Minh, sau buổi lao động tấp xuổng vào gốc bần dọn nồi cơm nguội với tô ba khía ra, tiện tay quơ trái bần trên cây xuống nhai chung ba khía cũng ngon chẳng kém. Đã ăn ba khía không thể bỏ qua thứ nước trộn, bởi nó là "tinh túy".

-  Thịt vịt luộc thay vì chấm nước mắm gừng, dân vùng ven biển đem cuốn lá cách chấm thứ nước ba khía sóng sánh chất đạm này, vô cùng hấp dẫn, đặt vào miệng chưa kịp khép môi lưỡi đã co lại, "dại" đi, nước miếng ứa ra, nếu có chút "đế" sẽ còn ngon nữa. Sau này dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ quên được món "đặc sản" có một không hai này.

ajax indicator